NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN VÀ NHỮNG THÀNH TỰU CỦA NGÀNH THỐNG KÊ VIỆT NAM QUA TỪNG THỜI KỲ
I. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN:
Ngay trong thời gian đầu cách mạng mới thành công, trong muôn vàn khó khăn của thời kỳ chống thù trong giặc ngoài, ngày 6 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký sắc lệnh số 61/SL quy định bộ máy tổ chức của Bộ quốc dân kinh tế gồm các phòng, ban, nha trực thuộc, trong đó có Nha Thống kê Việt Nam. Để ghi nhớ sâu sắc công ơn của Bác Hồ vĩ đại đối với quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành thống kê, để phù hợp với thực tế lịch sử, và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngành Thống kê đã lấy ngày 6 tháng 5 năm 1946 là ngày thành lập ngành Thống kê Việt Nam.
Chiểu theo Sắc lệnh 61/SL ngày 6 tháng 5 năm 1946, Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế đã ký Nghị định ngày 28 tháng 5 năm 1946 về tổ chức Nha Thống kê Việt Nam với những nội dung chính sau đây :
Điều thứ nhất : Nay tổ chức một Nha Thống kê Việt Nam phụ thuộc vào Bộ Quốc dân Kinh tế và đặt dưới quyền điều khiển của Giám đốc do sắc lệnh cử theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế.
Điều thứ hai : Nhiệm vụ của Nha Thống kê Việt Nam định như sau này:
- Sưu tầm và thu thập những tài liệu và những con số có liên quan đến vấn đề xã hội, kinh tế hay văn hoá.
- Xuất bản những sách về thống kê
- Kiểm soát các công ty bảo hiểm Việt Nam hay hải ngoại.
Điều thứ 3: Nha Thống kê Việt Nam có thể liên lạc thẳng với các cơ quan Thống kê của các Bộ, các kỳ và các tỉnh và các công sở khác để sưu tầm tài liệu cần thiết.
Điều thứ tư: Nha Thống kê gồm có ba phòng, nhiệm vụ định sau đây:
- Phòng nhất (phòng Hành chính) coi về nhân viên, kế toán, vật liệu, lưu trữ công văn, xuất bản các sách báo.
- Phòng nhì: Thống kê dân số, văn hoá, chính trị
- Phòng ba: Thống kê kinh tế, tài chính
Ngày 7 tháng 6 năm 1946 theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 98/SL cử ông Nguyễn Thiệu Lâu giữ chức Giám đốc Nha Thống kê Việt Nam.
Ngày 25 tháng 4 năm 1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký 2 sắc lệnh:
- Sắc lệnh số 33/SL sát nhập Nha Thống kê Việt Nam vào Phủ Chủ tịch
- Sắc lệnh số 33/SL
- Sắc lệnh số 34/SL cử ông Nguyễn Thiệu Lâu giữ chức Giám đốc Nha Thống kê trong Chủ tịch phủ.
Ngày 1 tháng 7 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 124/SL bãi bỏ Sắc lệnh số 33/SL ngày 25 tháng 4 năm 1949 và Sắc lệnh số 34/SL ngày 25 tháng 4 năm 1949, quyết định “ Một tổ chức tạm thời để theo dõi công việc thống kê sẽ do Nghị định Thủ tướng Chính phủ ấn định”.
Ngày 9 tháng 8 năm 1950, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Thủ tướng Chính phủ, ra Nghị định số 38/TTg thành lập phòng Thống kê trong Văn phòng Thủ tướng phủ do ông Lương Duyên Lạc làm trưởng phòng. Phòng Thống kê có nhiệm vụ:
- Thu thập và xếp đặt những tài liệu thống kê của các Bộ và các Uỷ ban hành chính kháng chiến địa phương.
- Giúp các Bộ và các Uỷ ban hành chính kháng chiến tổ chức và hướng dẫn theo dõi công tác thống kê.
Ngày 20 tháng 2 năm 1956, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Điều lệ số 695/TTg về tổ chức Cục Thống kê Trung ương, các cơ quan thống kê địa phương và các tổ chức thống kê các Bộ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong Điều lệ 695/TTg có ghi:
Nay thành lập Cục Thống kê Trung ương trong Ủy ban Kế hoạch Nhà nước của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, các Ban Thống kê địa phương, các tổ chức thống kê ở các Bộ, các cơ quan xí nghiệp.
Cục Thống kê Trung ương và các cơ quan Thống kê ở địa phương là một hệ thống thống nhất, tập trung.
Cục Thống kê Trung ương trong Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một cơ quan của Nhà nước để lãnh đạo thống nhất và tập trung mọi việc thống kê và kế toán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Nhiệm vụ chủ yếu của Cục Thống kê Trung ương là sưu tầm, thu thập, nghiên cứu và đệ trình Chính phủ những tài liệu thống kê chính xác, phân tích một cách khoa học để có thể nêu được quá trình thực hiện kế hoạch Nhà nước, sự phát triển kinh tế và văn hoá trong nước, những nguồn tài nguyên và cách sử dụng tài nguyên đó, tỷ lệ phát triển của các ngành kinh tế, văn hoá và mức độ phát triển của từng ngành.
Cục Thống kê Trung ương tạm thời gồm các phòng: Thống kê Tổng hợp; Thống kê Nông nghiệp; Thống kê Công nghiệp, Vận tải; Thống kê Thương nghiệp Tài chính; Thống kê Văn hoá, giáo dục, Y tế, Dân số, Lao động.
Ngày 8 tháng 4 năm 1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 142-TTg quy định lại tổ chức, nhiệm vụ của các cơ quan thống kê các cấp các ngành, bãi bỏ Điều lệ số 695- TTg ngày 20- 2- 1956.
Về tổ chức thống kê : Bộ máy thống kê các cấp các ngành gồm có:
- Cục Thống kê Trung ương (Trong Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước)
- Các Chi cục Thống kê Liên khu, khu, thành phố, tỉnh.
- Phòng Thống kê huyện, châu
- Ban Thống kê xã.
- Các tổ chức thống kê của các Bộ, các ngành Trung ương và các cơ quan trực thuộc.
Cục Thống kê Trung ương là cơ quan của Nhà nước phụ trách, lãnh đạo thống nhất và tập trung mọi việc thống kê về kinh tế, tài chính, văn hoá, xã hội trong cả nước.
Nhiệm vụ chủ yếu của CụcThống kê Trung ương là sưu tầm, chỉnh lý, nghiên cứu, phân tích những tài liệu điều tra thống kê cơ bản về các ngành kinh tế quốc dân, văn hoá, xã hội, rồi đệ trình Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Chính phủ để làm căn cứ hoặc tài liệu tham khảo để định các chính sách, lập kế hoạch và kiểm tra kế hoạch.
Về tổ chức Cục Thống kê Trung ương tạm thời gồm có các phòng: Thống kê Tổng hợp; Thống kê Nông nghiệp; Thống kê Công nghiệp; Thống kê Xây dựng cơ bản; Thống kê Thương nghiệp Tài chính; Thống kê Văn hoá, Giáo dục, Y tế, Dân số Lao động.
Ngày 21 tháng 12 năm 1960, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành quyết định số 15-NQ/TVQH về việc tách Cục Thống kê Trung ương ra khỏi Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, thành lập Tổng cục Thống kê.
Đến ngày 29 tháng 9 năm 1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 131- CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê. Theo Nghị định này, Tổng Cục Thống kê là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo tập trung và thống nhất toàn bộ công tác điều tra thống kê theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ sưu tầm, chỉnh lý phân tích các tài liệu thống kê có căn cứ khoa học về kinh tế, văn hoá, xã hội, nhằm phục vụ cho các công tác quản lý nhà nước, lãnh đạo và chỉ đạo công cuộc kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân.
Tổ chức bộ máy của Tổng Cục Thống kê gồm có: 7 vụ và Văn phòng
Năm 1968, thực hiện Nghị quyết 02- CP của Chính phủ về tổ chức lại hệ thống thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê được Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Cục Kỹ thuật tính toán, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Phương pháp chế độ và Vụ Cân đối.
Ngày 5 tháng 4 năm 1974 Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 72-CP ban hành điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng cục Thống kê thay thế Nghị định số 131-CP ngày 29 tháng 9 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ.
Tổng cục Thống kê là cơ quan Trung ương thuộc Hội đồng Chính phủ, có nhiệm vụ tổ chức và quản lý thống nhất công tác hạch toán và thống kê. Tổng cục Thống kê thực hiện nhiệm vụ của mình trên cơ sở đường lối chính sách và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.
Về tổ chức bộ máy có: 17 đơn vị cục, vụ thống kê chuyên ngành, văn phòng và 2 đơn vị sự nghiệp.
Thực hiện chỉ thị 45/TW của Ban Bí thư TW về tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế, ngày 2/6/1979 Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 207/CP về tổ chức lại bộ máy của cơ quan Tổng cục Thống kê gồm có 15 đơn vị: Vụ, Viện, Văn phòng và Thanh tra.
Thực hiện Thông báo số 46/TB-TW của Ban Bí thư TW và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể. Ngày 11-5-1988 Hội đồng Bộ trưởng ký ban hành Quyết định số 81/HĐBT, quy định lại số đơn vị trực thuộc Tổng cục giảm xuống còn 10 đơn vị vụ và Văn phòng. Ngoài ra còn có 3 phòng trực thuộc, 2 đơn vị sự nghiệp, và 2 đơn vị sản xuất kinh doanh.
Ngày 23/3/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê thay thế Nghị định số 72/CP ngày 5/4/1974 của Hội đồng Chính phủ.
Theo Nghị định này, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê cơ bản giống như nội dung đã được đề cập ở Điều lệ của Nghị định 72/CP ngày 5/4/1974 của Hội đồng Chính Phủ.
Tuy nhiên tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê được sắp xếp gọn hơn so với tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê quy định tại Điều lệ của Nghị định 72/CP ngày 05/4/1974 của Hội đồng Chính phủ. Cụ thể gồm:
- Các đơn vị giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước: có 12 đơn vị vụ, Văn phòng và Thanh tra.
Sau đó Chính phủ có quyết định thành lập thêm Vụ Kế hoạch- Tài chính. - Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục: có 4 đơn vị.
- Các đơn vị sản xuất do Tổng cục Thống kê quyết định có: 2 đơn vị
Ngày 03/9/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê thay cho Nghị định số 23/CP ngày 23/3/1994 của Chính Phủ.
Về vị trí và chức năng: Tổng cục Thống kê là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước về thống kê, tổ chức thực hiện hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế – xã hội cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật; quản lý Nhà nước các dịch vụ công và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc Tổng cục Thống kê quản lý theo quy định của pháp luật.
Về nhiệm vụ và quyền hạn: Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuộc Chính phủ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định tại Nghị định số 30/2003/NĐ-CP ngày 01/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ.
Về hệ thống tổ chức của Tổng cục Thống kê:
Tổng cục Thống kê được tổ chức theo ngành dọc, gồm có:
- Ở Trung ương có cơ quan Tổng cục Thống kê.
- Ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng cục Thống kê.
- Ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có Chi cục Thống kê huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Về cơ cấu tổ chức của cơ quan Tổng cục Thống kê :
- Các tổ chức giúp Tổng cục trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước có các đơn vị: Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia; Vụ Phương pháp chế độ thống kê và Công nghệ thông tin; Vụ Thống kê Tổng hợp; Vụ Thống kê Công nghiệp; Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư; Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản; Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ; Vụ Thống kê Giá; Vụ Thống kê Dân số và Lao động; Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường; Vụ Thống kê nước ngoài và Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức Cán bộ; Vụ Kế hoạch tài chính; Vụ Pháp chế và Thanh tra Thống kê; Văn phòng
- Các đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục Thống kê có các đơn vị sau: Viện Khoa học thống kê; Trung tâm Tin học thống kê khu vực I; Trung tâm Tư liệu và Dịch vụ Thống kê; Tạp chí Con số và Sự kiện; Trường Cao đẳng thống kê; Trường Cao đẳng Thống kê II; Trung tâm Tin học thống kê khu vực II; Trung tâm Tin học thống kê khu vực III; Nhà Xuất bản Thống kê.
- Các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc Tổng cục Thống kê có các đơn vị sau: Công ty TNHH MTV In và Phát hành Biểu mẫu Thống kê; Công ty TNHH MTV In Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 24/8/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quyết định số 65/2013/QĐ/TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 quy định Sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 3 Quyết định số 54/2010-QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hiện nay, Tổng cục Thống kê là cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về thống kê; tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế – xã hội cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật. Ngày 18/3/2020, Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định số 10/2020/QĐ-TTG quy định chức năng , nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tổng cục Thống kê được tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính: Cơ quan Tổng cục Thống kê ở Trung ương với 15 đơn vị hành chính và 5 đơn vị sự nghiệp; các cơ quan thống kê ở địa phương với 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố với tổng số trên 6 nghìn công chức, viên chức.
II. NHỮNG THÀNH TỰU CỦA NGÀNH THỐNG KÊ VIỆT NAM
Trong quá trình xây dựng phát triển, ngành thống kê Việt Nam đã từng bước trưởng thành, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước qua từng giai đoạn.
Những ngày đầu khi mới thành lập, mặc dù cơ cấu tổ chức còn rất đơn giản, số cán bộ ít và trình độ nghiệp vụ chuyên môn còn nhiều hạn chế nhưng Nha Thống kê Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, tự đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, vừa triển khai các hoạt động thu thập, tổng hợp thông tin phục vụ Đảng, Chính phủ và các Liên khu chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và kiến quốc. Trong thời kỳ này, Nha Thống kê Việt Nam đã biên soạn được báo cáo tổng hợp tình hình kinh tế – xã hội hàng tháng của vùng tự do và vùng mới giải phóng, báo cáo phân tích kinh tế 3 năm 1947-1949, báo cáo chuyên đề về giảm tô, giảm tức, xây dựng tổ vần công, đổi công ở vùng tự do. Ngoài ra, ngành Thống kê còn tiến hành một số cuộc điều tra chuyên môn, trong đó có cuộc Điều tra nông thôn 1951-1952 đánh giá thực trạng và tiềm năng của nông thôn để Đảng và Chính phủ có đầy đủ thông tin đề ra quyết sách bồi dưỡng và huy động sức dân góp phần tạo nên chiến thắng trong chiến dịch Thu Đông 1953 và chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Giai đoạn 1954-1975, miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và cùng miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước. Đây là thời kỳ ngành Thống kê tập trung nguồn lực xây dựng bộ máy và cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo cán bộ, nghiên cứu phương pháp nghiệp vụ và định hướng hoạt động thống kê phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới. Đến cuối năm 1957, hầu hết các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương của miền Bắc đã có cơ quan thống kê địa phương.
Mặc dù số cán bộ ít và trình độ chuyên môn còn hạn chế, nhưng Cục Thống kê Trung ương trong những năm 1956-1965 và Tổng cục Thống kê những năm sau đó đã phối hợp với thống kê địa phương và thống kê các Bộ, ngành xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, xây dựng và thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ, chế độ ghi chép ban đầu, tiến hành Tổng điều tra dân số và một số cuộc điều tra chuyên môn. Trên cơ sở đó, ngành Thống kê đã cung cấp thông tin phục vụ các cấp, các ngành xây dựng, quản lý và điều hành nền kinh tế và xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Một nhiệm vụ quan trọng của ngành Thống kê trong thời kỳ này là tham gia xét duyệt và công bố kết quả hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hàng năm đã được Ngành thực hiện tốt. Qua đó đã góp phần giúp Đảng và Nhà nước đánh giá sát tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, làm cơ sở để xây dựng các kế hoạch tiếp theo.
Từ cuối những năm 1960, nhận thức được tác dụng của cơ giới hóa và tự động hóa trong công tác thống kê, ngành Thống kê đã xây dựng đề án “Cải tiến kỹ thuật tính toán, từng bước cơ khí hóa và tiến lên tự động hóa công tác tính toán ở Việt Nam” và được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 168/CP ngày 25/11/1968. Thực hiện đề án này, ngành Thống kê đã sớm đưa công nghệ thông tin vào công tác thống kê. Đầu những năm 1970, Tổng cục Thống kê đã xây dựng được các trạm máy tính ở Trung ương và nhiều địa phương, góp phần đáng kể trong việc đẩy nhanh tốc độ và tính chính xác trong xử lý kết quả các cuộc điều tra và lập các báo cáo thống kê, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan Đảng và Nhà nước. Trong thời kỳ này, ngành Thống kê tự hào là ngành được trang bị hệ thống máy tính hiện đại hàng đầu ở nước ta.
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Để thu thập, tổng hợp thông tin trên phạm vi cả nước, ngành Thống kê đã nhanh chóng thành lập, kiện toàn tổ chức Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở miền Nam với nòng cốt là cán bộ thống kê có năng lực, kinh nghiệm điều động từ Tổng cục Thống kê và các Cục Thống kê miền Bắc. Hàng trăm cán bộ của Tổng cục Thống kê và các Cục Thống kê tỉnh, thành phố phía Bắc đã tình nguyện lên đường vào công tác tại các địa phương phía Nam vì sự phát triển của ngành Thống kê. Đến cuối năm 1977, tất cả các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương ở miền Nam đều đã có cơ quan thống kê cấp tỉnh; các Phòng Thống kê huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Giai đoạn 1976-1985 tổ chức bộ máy của Ngành tương đối hoàn thiện, ngành Thống kê tập trung vào việc nghiên cứu xây dựng các chế độ ghi chép ban đầu và hạch toán thống nhất; tăng cường hoạt động xét duyệt và công bố hoàn thành kế hoạch; củng cố chế độ báo cáo ước tính và báo cáo chính thức, đồng thời mở rộng hình thức thu thập thông tin bằng điều tra thống kê, nhất là điều tra cơ bản phục vụ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (1976-1980;1981-1985). Năm 1979 cũng là năm đầu tiên nước ta thực hiện Tổng điều tra dân số trên phạm vi cả nước.
Từ năm 1986 đến nay, sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đã tạo ra cho đất nước thế và lực mới, ngành Thống kê cũng đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhớ.
Về môi trường pháp lý, sự ra đời của Pháp lệnh Kế toán và Thống kê vào năm 1988 và tiếp theo là Luật Thống kê năm 2003 và Luật Thống kê (sửa đổi) năm 2015 cùng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác đã tạo nên khung pháp lý hết sức quan trọng và ngày càng hoàn thiện, giúp cho hoạt động thống kê từng bước đi vào nền nếp và hội nhập. Đặc biệt, Luật Thống kê năm 2015 đã được xây dựng và thông qua với nhiều điểm mới nhằm điều chỉnh một cách đầy đủ các hoạt động thống kê phát sinh trong đời sống kinh tế – xã hội. Thông qua Luật thống kê năm 2015, vai trò, vị thế của hệ thống thống kê tập trung được nâng cao đáng kể.
Cùng với hệ thống các văn bản pháp lý, Định hướng phát triển ngành Thống kê Việt Nam đến năm 2010 và Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tạo nền móng vững chắc, có tầm nhìn dài hạn, có quan điểm và mục tiêu phát triển rõ ràng, có các giải pháp và chương trình hành động cụ thể đảm bảo cho ngành Thống kê phát triển bài bản trong thời kỳ dài. Chính Định hướng và Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam và các đề án tổng thể khác đã hội tụ được sức mạnh và sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trong việc củng cố và xây dựng ngành Thống kê trong những năm vừa qua.
Về hệ thống tổ chức, đây là thời kỳ ngành Thống kê có nhiều thay đổi. Ngày 12/12/1987, Ban Bí thư Trung ương và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng ra Thông báo số 46/TB-TW về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Thực hiện Thông báo trên, Tổng cục Thống kê chuyển giao bộ máy thống kê cấp tỉnh, cấp huyện sang Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý. Hàng năm, Tổng cục Thống kê chỉ giao kế hoạch thông tin và quản lý, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với các Cục Thống kê địa phương. Tuy nhiên, mô hình tổ chức này đã làm công tác thống kê có bước thụt lùi nhất định.
Trước thực tế đó, để bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất về nghiệp vụ thống kê từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính độc lập về nghiệp vụ và tính khách quan của số liệu, sau 7 năm thực hiện mô hình “phi tập trung”, năm 1994, Chính phủ đã quy định Tổng cục Thống kê trở lại mô hình quản lý theo ngành dọc và duy trì đến ngày nay. Những năm gần đây, thực hiện cải cách hành chính của Chính phủ, cơ quan Thống kê Trung ương và các cơ quan Thống kê địa phương đã được sắp xếp, tổ chức lại. Ngày 04/01/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/NĐ-CP chuyển Tổng cục Thống kê vào Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công tác quản lý đối với Tổng cục Thống kê. Điểm nổi bật trong giai đoạn này là việc hình thành Chi cục Thống kê cấp huyện trực thuộc Cục Thống kê cấp tỉnh trên cơ sở các Phòng Thống kê đã đưa vị thế, vai trò và năng lực của các chi cục thống kê lên một tầm mới.
Vị trí, nhiệm vụ của hệ thống thống kê các bộ, ngành cũng được xác định trong Luật Thống kê, các văn bản pháp quy khác và được cụ thể hóa bằng Nghị định số 03/2010/NĐ-CP ngày 13/01/2010 của Chính phủ về qui định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thống kê bộ, ngành. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành đã tổ chức lại cơ quan, đơn vị và bố trí công chức làm công tác thống kê theo hướng ngày càng chuyên môn hóa.
Về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê, việc chuyển đổi cơ chế kinh tế từ kế hoạch tập trung sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện đường lối mở cửa, hội nhập đã đòi hỏi ngành Thống kê phải đổi mới trên mọi mặt, để đáp ứng ngày càng toàn diện yêu cầu đánh giá và dự báo tình hình trong nước và thế giới. Tất cả các mặt công tác của hoạt động thống kê đều được đổi mới, gồm: (1) Đổi mới các hệ thống chỉ tiêu thống kê, (2) Đổi mới phương pháp thu thập, xử lý và truyền đưa thông tin, (3) Đổi mới phân loại và phân ngành trong thống kê, (4) Đổi mới nội dung và phương pháp thống kê doanh nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, các loại hình khu kinh tế, (5) Đổi mới công tác phân tích và dự báo thống kê, (6) Bổ sung các nội dung thống kê mới.
Ngành Thống kê đã tập trung vào việc chuyển đổi phương pháp luận phù hợp với yêu cầu của đổi mới và hội nhập quốc tế. Trong thời kỳ này, một trong những bước tiến quan trọng nhất là chuyển đổi hệ thống bảng cân đối vật chất (MPS) sang hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) từ năm 1993 và liên tục cập nhật, bổ sung. Việc biên soạn các chỉ tiêu thống kê tổng hợp như GDP, GNP,… được thực hiện theo nhiều phương pháp khác nhau để có tính so sánh, đối chiếu. Phương pháp biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được đổi mới, chuẩn bị đưa vào áp dụng chính thức. Nhiều chuyên ngành thống kê được nghiên cứu, chuyển đổi theo hướng vận dụng các phương pháp luận chuẩn quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Việc phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp và đổi mới về chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần cũng như áp dụng SNA đòi hỏi sự đổi mới tương ứng về phân loại thống kê, phân ngành thống kê. Nhiều bảng danh mục chuẩn quốc tế đã được nghiên cứu áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam như Hệ thống ngành kinh tế quốc dân, Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam, Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam…
Với sự chuyển đổi mạnh mẽ của cơ chế quản lý kinh tế và yêu cầu mới của việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đất nước trong nền kinh tế thị trường với nhiều khái niệm mới, nội dung mới, các hệ thống chỉ tiêu thống kê ở cấp quốc gia cũng như các cấp quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương đã được đổi mới toàn diện. Mới đây nhất là Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia lần đầu tiên được Quốc hội thông qua trong Luật Thống kê năm 2015 với 186 chỉ tiêu thống kê thay thế cho hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/6/2010. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư quy định nội dung Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; danh mục và nội dung Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã.
Việc đổi mới và hoàn thiện phương pháp thu thập thông tin cũng đạt được những kết quả khả quan. Trong đó bước chuyển biến rõ nhất là sử dụng điều tra thống kê, nhất là điều tra chọn mẫu thay thế hình thức thu thập thông tin qua chế độ báo cáo thống kê là hình thức phổ biến trong giai đoạn trước đây. Các cuộc điều tra chủ yếu do ngành Thống kê tiến hành đã được sắp xếp theo kế hoạch, trong đó các cuộc Tổng điều tra như: Tổng điều tra dân số và nhà ở, Tổng điều tra kinh tế và Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp đã được Luật hóa trong Luật thống kê năm 2015; các cuộc điều tra thống kê quan trọng khác trên các lĩnh vực được thực hiện hàng năm theo kế hoạch, qua đó tạo điều kiện chủ động cho khâu chuẩn bị, triển khai và công bố thông tin của Ngành. Việc thu thập thông tin thống kê từ nguồn dữ liệu hành chính đã chính thức được quy định trong Luật thống kê năm 2015.
Về xử lý, tổng hợp và phân tích của ngành Thống kê cũng đã được đổi mới theo hướng tin học hoá. Ngay từ ngày đầu đổi mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/1988/CT-TTg năm 1988 về tăng cường và hiện đại hóa công tác thống kê, trong đó chỉ rõ: “Phát triển công nghệ thông tin, xây dựng các cơ sở dữ liệu và mạng thông tin thống kê trong phạm vi cả nước, bảo đảm việc truyền dẫn và khai thác số liệu thống kê được thuận lợi”. Từ đó đến nay, việc đầu tư công nghệ và ứng dụng trong hoạt động thống kê đã có bước phát triển nhảy vọt. Đặc biệt, lần đầu tiên ngành Thống kê đã áp dụng thành công công nghệ nhận dạng ký tự thông minh vào xử lý số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, tiếp đó là Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011, Điều tra Dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014. Việc ứng dụng và phát triển các phần mềm chuyên dùng đã góp phần đẩy nhanh tốc độ xử lý thông tin, tăng độ chính xác của thông tin tổng hợp và giảm cường độ lao động cho cán bộ thống kê các cấp. Cơ sở dữ liệu của các cuộc Tổng điều tra, điều tra lớn được lưu giữ tốt, đảm bảo cho việc khai thác chi tiết hơn và sử dụng số liệu lâu dài.
Với quan điểm đổi mới vừa phục vụ tốt sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Nhà nước vừa “Hướng về người dùng tin”, trong những năm qua đối tượng sử dụng thông tin thống kê đã được mở rộng, lượng thông tin cung cấp cho mỗi đối tượng dùng tin cũng không ngừng tăng lên, hình thức phổ biến thông tin ngày càng đa dạng. Đến nay, hầu hết các loại số liệu thống kê đã được cung cấp đến tất cả các đối tượng có nhu cầu sử dụng bằng nhiều kênh phổ biến thông tin khác nhau. Các sản phẩm thống kê ngày nay không chỉ các ấn phẩm, mà còn là các đĩa mềm, đĩa CD và file dữ liệu trên trang web. Những năm gần đây, ngành Thống kê còn tăng cường nhiều hình thức phổ biến thông tin khác nhau như họp báo công bố số liệu, thông cáo báo chí và Trang thông tin điện tử Tổng cục Thống kê,… Tổng cục Thống kê cũng đã tham gia hệ thống phổ biến số liệu chung (GDDS) với tư cách là điều phối viên quốc gia. Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 34/2013/QĐ-TTg đã đưa công tác này từng bước đi vào quy củ.
Về hợp tác quốc tế
Thực hiện đường lối đối ngoại mở rộng của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới, quan hệ hợp tác giữa Thống kê Việt Nam với thống kê của các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã ngày càng được mở rộng. Tổng cục Thống kê đã tham gia tích cực vào các hoạt động về thống kê của các tổ chức quốc tế như Thống kê LHQ (UNSD), chủ động tích cực tham gia và thường xuyên có những đóng góp quan trọng để thúc đẩy hoạt động thống kê khu vực ASEAN, ESCAP, Đông Á. Năm 2010, đảm nhận vai trò là Chủ tịch ASHOM 11, Tổng cục Thống kê đã tổ chức thành công Hội nghị thủ trưởng các cơ quan thống kê quốc gia khu vực Đông Nam Á và từ đó đã đăng cai và tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị Hiệp hội thống kê quốc tế chính thức IAOS năm 2014, Hội nghị Thống kê Nông nghiệp Châu Á-Thái Bình Dương,…. Thống kê Việt nam đã chính thức gia nhập Hệ thống thống kê Cộng đồng ASEAN kể từ năm 2016. Thống kê Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về chuyên môn, nghiệp vụ và cơ sở vật chất, trong đó phải kể đến các dự án hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức Quốc tế: UNFPA, UNDP, UNIDO, FAO, UNESCO, UNICEF, ILO, các định chế Tài chính như WB, ADB, IMF… Tổng cục Thống kê đã có những hợp tác song phương chặt chẽ với Thống kê nhiều nước trên thế giới, các nước có nền thống kê phát triển như Thụy Điển, Cộng hoà Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc,…; tiếp tục quan hệ chặt chẽ và có hiệu quả với các bạn bè truyền thống như cơ quan thống kê các nước: CHLB Nga, Ba Lan, Cộng hoà Séc, Slovakia, Hunggary, CHDCND Lào, Vương quốc Cam-pu-chia,…
Việc tích cực chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực Thống kê Việt Nam, làm tiền để để Thống kê Việt Nam hoàn thành tốt nghĩa vụ là thành viên của Thống kê Liên hợp quốc, đáp ứng yêu cầu phục vụ số liệu của các tổ chức quốc tế cũng như yêu cầu phục vụ số liệu cho các Đại sứ quán, các cơ quan đại diện nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Nhờ vậy, vị thế của Thống kê Việt Nam trong cộng đồng quốc tế đã được nâng lên một cách rõ rệt. Theo đánh giá năng lực thống kê của các cơ quan thống kê do Ngân hàng Thế giới công bố, Năm 2015, Thống kê Việt Nam đã đạt 82,22 điểm, đúng thứ 26 trên tổng số 144 quốc gia được đánh giá và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Trải qua 77 năm xây dựng và phát triển, ngành Thống kê Việt Nam đã và đang khẳng định được vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin thống kê phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp nhằm đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân. Những thông tin thống kê do Tổng cục Thống kê công bố, cung cấp là nguồn thông tin chính thống, có tính pháp lý, được các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tin cậy, sử dụng.
Danh sách thủ trưởng ngành Thống kê qua các thời kỳ từ ngày đầu thành lập Ngành đến nay
STT | Họ tên | Nhiệm kỳ |
---|---|---|
1 | Ông Nguyễn Thiệu Lâu | 1946 – 1950 |
2 | Ông Lương Duyên Lạc | 1950 – 1955 |
3 | Ông Trần Hữu Dực | 1955 – 1956 |
4 | Ông Nguyễn Văn Kha | 1956 – 1958 |
5 | Ông Đặng Thí | 1958 – 1963 |
6 | Ông Nguyễn Đức Dương | 1964 – 1974 |
7 | Ông Hoàng Trình | 1974 – 1984 |
8 | Ông Trần Hải Bằng | 1984 |
9 | Ông Lê Văn Toàn | 1984 – 2000 |
10 | Ông Lê Mạnh Hùng | 2000 – 2007 |
11 | Ông Nguyễn Đức Hoà – Thứ trưởng Bộ KH & ĐT kiêm Tổng cục trưởng TCTK | 2007 – 6/2010 |
12 | Ông Đỗ Thức | 7/2010-9/2013 |
13 | Ông Nguyễn Bích Lâm | 10/2013-4/2020 |
14 | Bà Nguyễn Thị Hương | 5/2020-Nay |